1. Yêu cầu ngoại cảnh
Ngọc điểm có tên khoa học Rhynchostylis gigantea là loài lan có màu sắc đẹp, có hương thơm, ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán nên còn gọi là Nghinh xuân và cành hoa giống chuỗi hạt nên ngoài Bắc gọi là Đai châu.
– Nhiệt độ thích hợp cho lan phát triển khoảng 26-300C.
– Ánh sáng thích hợp khoảng 60% ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng quá cao cây bị cháy (bỏng) lá, thiếu sáng cây ốm yếu, lá mỏng, rễ phát triển kém và khó ra hoa.
– Độ ẩm thích hợp trong khoảng 40-70%
– Độ thông thoáng: Yêu cầu vườn lan phải thông thoáng, giá thể trồng chậu phải có khe hở không quá chặt.
2. Kỹ thuật trồng
2.1. Nhà trồng lan
– Nhà lưới có chiều cao từ 3,5 – 4m, trụ làm bằng sắt không gỉ hoặc bê tông phải chắc chắn, chịu được dông, gió lớn.
– Sử dụng mái che bằng lưới tán xạ 40% ánh sáng, màu đen hoặc xanh sao cho nhà trồng có đủ ánh sáng và thông thoáng.
– Giàn trồng lan làm bằng sắt, nên thiết kế theo hướng Đông-Tây và lưới che theo hướng Bắc-Nam. Giàn rộng từ 1,2-1,5m; chiều cao 0,8m và chiều dài luống tùy theo kích thước nhà trồng. Bên trên giàn đặt các vĩ nhựa đen loại 12 lỗ hoặc 15 lỗ đường kính 12 cm (nếu trồng chậu); nếu trồng bằng cách ghép trên gỗ phải thêm các thanh đà làm giá đỡ.
– Thiết kế hệ thống tưới phun sương đặt dưới mái che; đơn giản dùng các trụ có gắn pét phun cách nhau 2 x 2m và có bán kính pét phun 2m.
2.2. Thời vụ trồng, giống, xử lý giá thể và cây giống trước khi trồng
– Lan Ngọc điểm có thể trồng quanh năm, cần tránh trồng vào những ngày mưa nhiều dễ bị nấm bệnh gây hại.
– Giống có 2 nguồn từ cây cấy mô và nguồn lan rừng. Đối với cây cấy mô tiêu chuẩn cây đem trồng có thời gian sinh trưởng 6 tháng, có 3 cặp lá trở lên, lá xanh cây khỏe không sâu bệnh, có từ 2-3 rễ phát triển tốt. Đối với giống lan rừng thường cây đã trưởng thành, có từ 5-6 cặp lá, rễ ra nhiều và dài hơn cây cấy mô.
- Giá thể trồng rất phong phú, thường ghép trên lõi của nhiều loại cây nhưng tốt nhất là ghép trên gỗ cây vú sữa khô đã qua xử lý thuốc nấm và nước vôi, có thể cắt theo hình trụ đường kính 10-15cm, dài 30-35cm hoặc theo từng thớt dày 3cm trở lên. Nếu trồng chậu thường có đường kính chậu 12-14cm, giá thể có thể là vỏ thông, than củi, vỏ dừa cắt khúc ép thành từng miếng. Than được ngâm rửa kỹ; vỏ dừa được ép và cắt thành miếng và xử lý nước vôi nồng độ 1%, rửa lại nước sạch cho đến khi nước trong và để ráo.
– Xử lý cây giống
Đối với cây cấy mô mới mua về phải đặt ở vị trí thoáng mát và tiến hành xử lý nấm bệnh trước khi ghép trên gỗ hoặc trồng chậu bằng thuốc trừ nấm Ridomil Gold 68WP (Metalaxyl, Macozeb) 2-3%o.
Đối với giống lan rừng mới mua về cần cắt tỉa lá gảy, dập, sâu bệnh, cắt bỏ rễ già và tiến hành ngâm cây vào dung dịch thuốc nấm Ridomil Gold 68WP (Metalaxyl, Macozeb) hoặc Antracol 70WP nồng độ 2-3%o trong 5-10 phút, sau đó treo ngược vào chổ râm mát, chờ khi cây nhú rễ mới tiến hành ghép trên gỗ hoặc trồng vào chậu.
2.3. Cách trồng
Trồng chậu: Bỏ một ít giá thể vào đáy chậu, đặt cây vào giữa chậu sau đó cho giá thể vào vừa đầy chậu sao cho cây không bị lay gốc và có độ thông khí.
Ghép trên gỗ: Tùy độ lớn của gỗ ghép quyết định đến số cây ghép, thường ghép từ 1-3 cây trên trụ hoặc thớt. Dùng dây cố định từng cây giống trên trụ hoặc thớt gỗ, trên mỗi trụ hoặc thớt gỗ có móc treo.
2.4. Chăm sóc
2.4.1. Tưới nước
Yêu cầu nước tưới phải sạch, pH thích hợp 5,5-7, nhu cầu nước tưới tuỳ từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lan và theo mùa. Sau khi kết thúc nở hoa Ngọc điểm có thời gian ngủ nghỉ từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4, thời gian này chỉ tưới 1 lần/ngày. Thường mùa nắng tưới 2 lần/ngày, mùa mưa 1 lần/ngày vào lúc sáng sớm và trước 3 giờ chiều, đảm bảo tưới ướt lá và giá thể. Những ngày âm u, có mưa ngừng tưới.
2.4.2. Làm cỏ
Định kỳ làm sạch cỏ dại trong và xung quanh nhà trồng, dưới giàn để lan 1tháng/lần để tạo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại.
2.4.3. Bón phân
Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lan, chia làm 3 thời kỳ bón như sau:
– Giai đoạn cây con
Sử dụng phân NPK 30-10-10 kết hợp phun Atonik và Vitamin B1, nồng độ 1-2%o, định kỳ phun 5-6 ngày/lần để kích thích hình thành rễ, chú ý phun ướt đều lá và giá thể.
– Giai đoạn cây trưởng thành, sau khi ra hoa và kết thúc thời gian ngủ nghỉ
Giai đoạn này rễ cây phát triển mạnh, cây sinh trưởng nhanh, sử dụng các loại phân sau:
- Growmore Orchid 20:20:20 pha 2-3g/lít.
– Vitamin B1 Growmore liều lượng 2-3ml/lít.
– Phân cá Fish Emulsion khoảng 2-3ml/lít.
- Terra-Sorb-Root4 nồng độ 0,1 – 0,2%, khoảng 1-2ml/lít.
Cách phun:
Sử dụng Growmore Orchid 30:10:10 kết hợp Vitamin B1 Growmore phun 5-7 ngày/lần, phun liên tiếp 2-3 tuần, sau đó phun 1 lần Growmore Orchid 30-10-10 và Terra-Sorb-Root4 , tiếp theo phun phân cá và sau đó phun lặp lại như ban đầu.
Ngoài ra sử dụng thêm phân chậm tan NPK 12-12-12 (14-14-14) liều lượng 1-2g/chậu, (trụ) và định kỳ bón 3 tháng/lần.
– Giai đọan cây chuẩn bị ra hoa và nuôi hoa
Việc bón phân đầy đủ trong giai đoạn này quyết định đến hình thành mầm hoa, chất lượng và độ bền của hoa. Thường dùng các loại phân sau:
– Growmore Orchid 6-30-30, 10-30-20 hoặc 15-20-30 dùng 2-3g/lít.
– Phân cá Fish Emulsion 2-3ml/lít nước
– Vitamin B1 Growmore dùng 2-3ml/lít
– Terra-Sorb-Root4 nồng độ 0,1 – 0,2%, khoảng 1-2ml/lít.
Cách thức phun:
Phun kích ra hoa Growmore Orchid 10-60-10, định kỳ 5-6 ngày/lần, phun liên tiếp 3-4 lần. Khi thấy vòi hoa xuất hiện khoảng 1 – 2cm phun Growmore Orchid 20:20:20 hoặc 6-30-30, kết hợp phun xen kẽ Vitamin B1 Growmore, Phân cá Fish Emulsion, Terra-Sorb-Root4 để hoa có màu sắc đẹp và lâu tàn.
Lưu ý! Ngọc điểm thường nở hoa trong dịp tết Nguyên đán sau đó đi vào ngủ nghĩ từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4 hàng năm. Trong giai đoạn này hạn chế tưới nước và không bón phân, thích hợp cho việc sang chiếc chậu, thay mới giá thể, cố định lại cây ghép trên gỗ.
2.4.4. Phòng trừ sâu bệnh
Một số sâu bệnh hại chính trên cây lan Ngọc điểm
* Ruồi đục nụ (Contarinia maculipennis)
Ruồi phát sinh mạnh trong điều kiện trời nóng, mưa nắng thất thường, vườn lan kém thông thoáng, độ ẩm cao. Ấu trùng sau khi nở chui vào trong nụ hoa cắn phá làm hoa biến dạng và gây thối nụ hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh vườn sạch sẽ, làm cỏ xung quanh vườn và dưới giàn lan để hạn chế nơi trú ngụ của ruồi trưởng thành.
– Cắt bỏ các cành hoa bị nhiễm cách ly ra khỏi vườn và tiêu hủy.
– Dùng bẫy dính màu vàng để thu bắt con trưởng thành.
– Phun thuốc diệt ấu trùng và ruồi trưởng thành các loại thuốc như: Cymerin 25EC, Secsaigon 25EC, Sherpa 25EC (Cypermethrin); Amico 10EC, Admire 50EC (Imidacloprid);Peran 50EC, Permecide 50EC, Perthrin 50EC (Permethrin), Actara 25WG (Thiamethoxam)… và phun vào lúc chiều tối.
* Nhện đỏ (Tetranychus urticae)
Nhện đỏ sống giữa bẹ lá, thân và cả mặt dưới lá, gây hại mạnh trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Nhện chích hút tạo ra những chấm nâu nhỏ dưới mặt lá làm cây sinh trưởng còi cọc, hoa kém chất lượng.
Biện pháp phòng trừ
- Luôn giữ cho vườn thông thoáng, đủ ẩm và có thể dùng vòi tưới xịt từ mặt dưới lá lên để rửa trôi sẽ hạn chế đáng kể nhện đỏ.
– Dùng các loại thuốc đặc trị như Ortus 5SC (Fenpyroximate), Alphamite 15EC (Pyridaben)…
* Bệnh đốm nâu do vi khuẩn Pseudomonas sp
Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa ở những vườn có ẩm độ cao, thiếu thông thoáng và chăm sóc kém. Ban đầu xuất hiện những đốm nhỏ màu xanh nhạt, sau đó nâu đen hơi lõm và mềm nhũn. Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương trong lúc chăm sóc hoặc côn trùng chích hút.
Biện pháp phòng trừ
– Trồng mật độ vừa phải, tạo thông thoáng cho vườn
– Thay chậu, trụ ghép nếu giá thể đã mục, rong rêu
– Cắt bỏ những lá bệnh nặng và đem đi tiêu hủy
– Phòng trừ côn trùng chích hút và tránh gây vết thương cơ học
– Bón phân cân đối, giảm lượng phân đạm, tăng hàm lượng phân kali
– Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện các loại thuốc sau: Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) liều lượng 1-2ml/lít; Kasuran 47WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride) lượng dùng 2-3g/lít; Ditacin 8L (Ningnamycin) pha 1-2ml/lít.
* Bệnh thối nhũn (Do nấm Cercospora sp và vi khuẩn Erwnia carotovora).
Bệnh thường phát sinh trên lá non, ban đầu là chấm nhỏ sau đó lan rộng và phồng lên như vết bỏng nước sôi, mềm nhũn, dịch có mùi hôi và bệnh lan nhanh đến toàn cây lan. Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm dễ phát sinh bệnh.
Biện pháp phòng trừ
– Tạo thông thoáng cho vườn, cắt bỏ những lá bệnh nặng và đem đi tiêu hủy
– Khi chăm sóc cần tránh gây vết thương cơ học
– Hạn chế tưới, bón phân cần giảm lượng đạm, tăng hàm lượng kali
– Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện các loại thuốc sau: Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) liều lượng 1-2ml/lít; Kasuran 47WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride) lượng dùng 2-3g/lít; Starner 20 WP (Oxolinic acid) lượng dùng 2-3g/lít.
* Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp
Bệnh thường phát sinh mạnh vào mùa mưa, ban đầu là chấm tròn nhỏ màu nâu, xung quanh có quầng vàng nhạt, sau đó lan rộng tạo đốm tròn màu nâu đậm và lõm xuống.
Biện pháp phòng trừ
– Tạo thông thoáng cho vườn, cắt bỏ những lá bệnh nặng và đem đi tiêu hủy
– Ngưng bón phân đạm và các chất kích thích trong lúc cây lan bị bệnh
– Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện các loại thuốc sau: Altracol 70WP (Propineb), Kamsu 2SL (Kasugamycin), Dùng Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) kết hợp Amistar Top 325SC (azoxystrobin) liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì để đạt hiệu quả cao.
3. Thu hoạch và đóng gói
– Lan Ngọc điểm thường tiêu thụ mạnh trong những tháng giáp Tết, giá trị tăng theo kích thước cây và số cành hoa trên cây.
– Khi vận chuyển cần phải đóng gói cẩn thận, nhằm tránh gây xây xác cho cây và cành hoa.