Địa Lan Kiếm Đỏ / Top 6 # Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 3/2023 # Top View | Duhocaustralia.edu.vn

Kiếm Jindamanee – Cây Kiếm Lưỡi Đỏ Thái Lan

Trong các cây kiếm lưỡi đỏ Thái lan, cây kiếm Jindamanee từ lâu được người Thái gọi là cây số 1 (mặc dù sau này xuất hiện cây đẹp không kém, ví dụ cây Suriya), và đông đảo kiếm thủ Việt cũng công nhận như vậy. Cái tên Jindamanee có nghĩa là Ngọc thiêng/Ngọc quí (wishful/precious gem, trong tiếng Phạn là Cinimati là viên đá linh thiêng có thể biến mọi điều ước thành sự thật, mà chúng ta hay thấy trong các tranh, tượng Đức Phật cầm ở tay trái…)

Điểm đặc sắc nhất của Jindamanee nằm ở cái lưỡi đỏ vươn cong mềm mại, tròn rộng và liền bệt rất hấp dẫn. Cây càng khỏe, đủ lực thì mức độ liền màu của lưỡi càng cao, thậm chí đạt ngưỡng rực đỏ toàn phần. Khuôn hoa cân đối chỉnh chu, cứng cáp, không bị bẻ hay cụp. Cánh hoa không sạch hoàn toàn nhưng đượm màu vàng rất sáng, cùng với trụ nhụy sạch. Khi mới nở cánh hơi bầu, bông về sau ít bầu. Hoa có hương thơm thoang thoảng, ngọt dịu. Phân hoa đều, cây đủ lực thuần chậu có thể cho cần hoa 25-30 bông. Nhìn tổng thể, hoa Jindamanee tươi thắm cho vẻ đẹp quí phái, lãng mạn, tràn sức sống của tuổi trăng tròn, không hổ danh là cây kiếm lưỡi đỏ số 1 Thái.

Xét về thân thủ Jindamanee thuộc dạng trung bình khá. Bản lá dao động trong khoảng 3,5-5,5cm (chưa thấy cây có bản lá 6cm). Lá hơi mỏng và dài, nếu nuôi thuần ở Việt Nam lá sẽ dày hơn, cứng hơn, nhưng vẫn bị võng. Gần đây có loại lá ngắn được các bạn Thái luyện rèn, cho thân thủ vững chãi hơn. Jindamanee khi đưa từ Thái về có cả loại lá sần và lá láng (giá rất khác nhau). Một ưu điểm của Jindamanee là đẻ khá khỏe nếu so với nhiều cây đột biến rừng Việt.

Do lưỡi hoa quá đẹp, khác biệt với các cây semi-alba hoặc alba khác, nên cây Jindamanee thường được các nhà vườn dùng để lai tạo (ví dụ lai với cây Taiwan Original, Taiwan Gold…) với hy vọng xổ được các cây lai mới xuất sắc, nếu may mắn thừa hưởng tính trội (về lưỡi hoa) của Jindamanee và tính trội (về thân thủ, bông bầu…) của cây còn lại trong cặp lai.

Jindamanee dễ thích nghi với điều kiện nuôi trồng ở Việt Nam, kể cả với thời tiết lạnh ở miền Bắc. Tuy nhiên để cây phát triển tốt nhất cần có chút lưu ý (tương tự như với nhiều cây khác). Dùng giá thể thoáng, mùa đông tránh gió bấc và mưa dài trực tiếp, giảm tưới nước, không để cây bị úng hay quá ẩm dễ nhiễm bệnh, khi trời quá rét không nên tưới để tránh bỏng lạnh; mùa hè cần tránh nắng chiếu trực tiếp…

Cây Jindamanee (giống chuẩn) được chuyển về Việt Nam cách đây tầm 3-4 năm, lúc đó Jindamanee có giá bán vượt trội so với cây Hoàng Long. Hiện tại, phong trào chơi kiếm Việt đang lên, nhưng Jindamanee vẫn có chỗ đứng xứng đáng trong vườn của nhiều kiếm thủ, bởi vẻ đẹp đẳng cấp của cây kiếm lưỡi đỏ số 1 Thái là không thể phủ nhận…

Điạ Lan Kiếm Bạch Ngọc Và Địa Lan Kiếm Tứ Thời

Hai loài địa lan Kiếm dân dã này rất được ưa chuộng vì chúng có 3 tính chất đáng quý sau: vẻ đẹp thanh nhã, hương thơm dịu dàng và khá dễ nuôi trồng. Lan Bạch ngọc có hai loài giống nhau, chỉ khác nhau chút chút về độ lớn của đám lá, của số bông hoa, nên người ta thường gọi chúng với các tên rất trìu mến: Bạch ngọc Đại kiều và Bạch ngọc Tiểu kiều.

Điạ Lan Kiếm Bạch Ngọc Và Địa Lan Kiếm Tứ Thời

Lá của loài lan này rất hẹp bản từ 0.5cm đến 1cm, dài chừng 20cm đến 40cm, lá mỏng mềm nên thường uốn cong. Mép lá có gợn răng cưa, màu sắc lục biếc. Mỗi giò hoa Tiểu kiều có chừng 3-5 bông hoa, còn Đại kiều có tới 6-7 bông hoa. Hoa mầu trắng muốt, thường nở vào mùa thu. Hương thơm Bạch ngọc rất quyến rũ. Ai đã ngồi thưởng thức hoa lan Bạch ngọc, khó mà đứng dậy, rời xa chậu hoa ra được.

Cố nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong truyện ngắn “Hương Cuội” (Trong tập Vang bóng một thời)

“Tôi tự biết không chăm được lan Bạch ngọc. Công phu lắm ông ạ. Gió mạnh là gẫy, nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cành. Bạch ngọc thì đẹp lắm, nhưng giống nhẹ nhàng ấy yểu lắm. Chăm như chăm con mọn. Chiều chuộng quá, như con cầu tự, lầm lỡ một chút là chúng đi ngay. Những quí vật ấy không chịu ở lâu bền với người ta…”

Hiện nay lan Bạch ngọc đã dễ nuôi trồng vì trình độ khoa học tiến bộ của người nuôi trồng nên giá cả thường rẻ hơn các loài địa lan Kiếm truyền thống khác.

Lan Tứ thời có hoa nở từ cuối hạ tới đầu đông, mỗi năm có tới 2 hoặc 3 đợt hoa, do vậy nên đã mang danh là Tứ thời.

Lá lan to bản hơn Bạch ngọc, từ 0.8cm – 1.5cm, dài chừng 40cm – 50cm, mép lá cũng gợn răng cưa, lá dầy và cứng nên thường thẳng (trực lập), khi lá già mới cong. Nhiều người chơi lan thích kiểu lá thẳng, cho là có cốt cách hiên ngang. Nhưng ngược lại, các hoạ sỹ hàng 1000 năm nay, khi vẽ là lan Kiếm đều vẽ cong cong như lá Bạch ngọc già.

Lá lan, bộ phận quan trọng hợp thành cái đẹp của chậu lan, mặt khác lá lan có suốt cả năm, hoa chỉ có chừng một tháng, do đó người ta nói xem hoa nhất thời, xem lá kinh niên. Ở một số nước Đông Á, chậu lan chỉ cần có đám lá, cũng được chọn là cây cảnh trong các phòng khách sang trọng.

Chùm hoa lan Tứ thời cao chừng 20 – 25 cm có từ 3 đến 5 bông.

Nhìn xa, chúng bị lấp trong các đám lá. Nhưng nếu đến gần, ngắm kỹ từng bông, ta sẽ thấy được sự kỳ diệu của thiên nhiên đã tạo ra một loài hoa đẹp tinh vi đến như vậy.

Hoa lan Tứ thời, khá to. Ba cánh đài và hai cánh hoa mầu lục ngọc thạch, có 7 sọc hồng tía, môi hoa trắng có hai hàng chấm đỏ rực rỡ. Hoa bền từ 10 đến 20 ngày.

Hương thơm của lan Tứ thời cũng rất quyến rũ. Có nhiều người gắn cho hương hoa lan Tứ thời là “hương đãi khách”. Ai mới đến gần chậu lan sẽ được hưởng mùi thơm ngay. Ngồi lâu sẽ giảm dần. Nhưng nếu có làn gió thoảng qua, đưa cháu nhỏ đi qua, con mèo chạy tới, hương thơm lại sực nức lên ngay.

Người xưa thường nhân cách hóa vạn vật xung quanh mình nên có hai trường phái đánh giá lan Tứ thời.

Có trường phái coi lan Tứ thời là hèn kém, vì chùm hoa không vươn cao lên khỏi đám lá (Bất xuất giá). Trong vườn lan của các vị này không bao giờ có chậu lan Tứ thời.

Ngược lại, trường phái coi lan Tứ thời là tượng trưng cho đức khiêm nhường, dấu mình trong đám lá, không cố vươn lên cao để khoe sắc khoe hương, mà vẫn sống trong đám lá (đã nuôi dưỡng bản thân). Đúng như các bậc hiền nhân, có tài, có đức những ưa ẩn mình.

Hai luận điểm cứ trái ngược nhau. Nhưng loài lan Tứ thời cứ tồn tại và ngày càng phát triển, nhất là trong những năm gần đây.

Các vườn địa lan Kiếm truyền thống có đa số là các loài lan hoa nở vào cuối đông, đầu xuân. Chúng có giá trị văn hoá, kinh tế rất cao để đón Tến Nguyên đán. Nhưng trong 11 tháng của cả năm, vườn chỉ có các đám lá lục biếc vậy nếu có mươi chậu Bạch Ngọc hay Tứ thời vườn lan sẽ đẹp hơn và vui mắt hơn nhiều.

Tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) có một loài địa lan Kiếm được gọi là Kiến lan, hay Tứ quý lan (có hoa nở trong cả 4 quý) hay Thu lan (hoa nở chủ yếu vào mùa thu) có tên khoa học là Cymbidium ensifolium. Khi so sánh tất cả các tính chất của lan Tứ thời và lan Tứ quý, Kiến lan đều rất giống nhau. Chúng tôi tạm kết luận loài địa lan Kiếm Tứ thời, Bạch Ngọc thuộc loài lan Cymbidium ensifolium.

Ngoài 2 loài trên còn 3 loài khác nữa, do các biến dị lai hoa tự nhiên mà có trong rừng Việt Nam.

Lan Tố tâm giống hệt lan Bạch ngọc, chỉ khác là môi có các chấm đỏ, nên còn gọi là Bạch ngọc châm hương.

Lan Ngân biên và Kim biên khá hiếm cũng giống lan Bạch ngọc, mép lá ở gần phía đầu có viền mầu ngà trắng hay vàng. Có người chơi lan coi loài lan này là có Diệp nghệ (lá nghệ thuật) theo quan điểm Vạn trung vô nhất (Vạn cái không có một) do đó hiếm sẽ là quý.

Nhưng nhiều người thấy hương thơm của 2 loài hoa này không bằng Bạch ngọc nên không quý lắm.

Vào khoảng thế kỷ thứ 18, Kiến lan (Cym. ensifolium) được đưa sang châu Âu. Sau đó các địa lan Kiếm khác cũng được đưa sang. Đã có 2 sự đánh giá khác nhau về địa lan Kiếm.

Những người chơi lan châu Âu không thích lan Kiếm, vì hoa nhỏ. So với Cát lan, Hồ điệp v.v… Mầu hoa nhạt hoặc xỉn, hương thơm gia vị (Parfum d’epice).

Các nhà thực vật châu Âu lại đánh giá cao lan Kiếm vì chúng có tính chất rất đáng quí sau: cây lan sống khoẻ, chịu đựng tốt ở nhiệt độ khá cao và khá thấp, ít sâu bệnh và dễ lai tạo.

Do đó, chúng ta không lạ gì trên thị trường lan của thế giới và trong nước đã có rất nhiều giống địa lan Kiếm lai, có hoa to, mầu sắc rực rỡ, cành hoa cao, dễ dàng cắt cành, phù hợp với nền thương nghiệp hoa lan cắt cành.

Các loài địa lan Kiếm có hoa nở cuối đông đầu xuân, cần có những đợt gió mùa Đông Bắc vào tháng 10, tạo ra các đêm lạnh dưới 15°C để hình thành các chồi hoa.

Nhưng địa lan Kiếm Tứ thời, Bạch ngọc có hoa nở vào mùa thu nên chúng không cần có đêm lạnh, để hình thành chồi hoa. Chúng có khả năng nở hoa ở miền Nam.

Chúng ta hy vọng hai loài địa lan Kiếm Tứ thời Bạch ngọc có thể nở rực rỡ dưới bầu trời thu xanh của TP.HCM, như đã nở, ngót nghìn năm dưới bầu trời của Thủ đô Hà Nội.

Sắc Mầu Hoa Địa Lan Kiếm

Người Á Đông biết đến Lan Kiếm rất sớm, Đức Khổng Phu Tử (551-497 trước Công Nguyên) đã ví thân phận mình với địa Lan Kiếm trong U Lan Thảo. Người đã răn dạy các bậc Hiền Nhân Quân Tử phải tu thân, lấy khí tiết của Lan Kiếm, dù ở thâm sơn cùng cốc, không một bóng người qua, nhưng vẫn tỏa sắc khoe hương.

Sắc Mầu Hoa Địa Lan Kiếm

Các nhà văn hóa lớn, nối tiếp nhau trong nghìn năm qua, ca ngợi Lan Kiếm bằng tất cả những lời đẹp nhất.

Đến như Tào Tháo suốt đời chinh chiến. Khi làm vua, cũng rất tự hào đã được đeo Hoa Lan.

Qua Thiên Hán Đến Côn Luân Kiến Tây Vương Mẫu, Yết Đông Quân Cưỡi cầu vồng Đạp mây đỏ Lên đỉnh Cửu Nghi, nhập Thiên Cung Ăn Linh chi Uống Cam Tuyền Cầm trượng quế và đeo hoa lan(1)

Nghệ nhân tài ba nhất: Thiên nhiên, đã ưu tiên cho Lan Kiếm cả về 4 mặt: Hình thù đẹp, hương thơm quyến rũ, sắc màu lộng lẫy, độ bền cao (từ 20 ngày đến 30 ngày).

Hoa Lan Kiếm khá đầy đặn nhưng thanh thoát. Cánh đài của muôn loài hoa khác là vỏ bọc, mầu lục, nhăn nheo, nhưng của Lan Kiếm lại cũng rực rỡ như những cánh hoa.

Đa số hoa Lan Kiếm có hương thơm, đậm đà, không hăng hắc, thường được xếp loại Vương giả chi hương. Có loại lan tỏa hương liên tục, nhưng có loại tỏa hương từng đợt, khi đậm khi nhạt.

Mầu sắc của hoa Lan Kiếm là màu của 3 cánh đài, của 2 cánh hoa trên (thường giống nhau) riêng cánh môi càng rực rỡ.

Thiên nhiên đã rất tỉ mỉ tuyển lựa gần như đủ các mầu, pha trộn rồi tô vẽ cho các bộ phận của hoa lan Kiếm, làm cho hoa đẹp hấp dẫn, thanh nhã nhưng không sặc sỡ.

Cách đây chừng 8, 9 thế kỷ người ta chỉ mới biết đến Mặc Lan, có mầu hoa nâu, đậm nhạt đến hung đỏ.

Nhưng là loài hoa được quý trọng nhất, nên dù sinh sống trong rừng sâu, núi cao, người ta vẫn len lỏi tìm kiếm và phát hiện Lan Kiếm có gần đủ các sắc màu.

Trong suốt nghìn năm được quý chuộng, ca ngợi về rất nhiều mặt nên hình thành dần dần các quan điểm, luận thuyết bình giá về các mặt của hoa Lan Kiếm, như luận bàn về hương, về hình, về sắc, về các biến dị tự nhiên và nhân tạo.

Các dân tộc, các giai tầng trong xã hội, ở các thời đại khác nhau, thường yêu chuộng mầu sắc cũng rất khác nhau.

Các họa sỹ cũng có những ý thích riêng về các gam mầu, nóng hoặc lạnh hoặc pha trộn để tạo ra hàng 100 mầu trung gian.

Có dân tộc, khi giới thiệu tâm hồn với một tập hợp mới: Tôi tên là gì… Tôi ưa mầu nào… cũng như có dân tộc chủ trương giới thiệu năm sinh là năm con Rồng hay con Rắn v.v…

Những người yêu Lan cũng chú ý đến sự bình giá về mầu sắc hoa Lan, và cũng nhiều ý khá giống với các bình xét của dân dã.

Mầu trắng:Thanh khiết, trang nhã, cao quý.

Mầu trắng ngà:Dịu dàng, thanh cao, duyên dáng, khiếm tốn. Mầu trắng hiện nay là mầu tang của người Việt, nhưng cũng là mầu của những bộ váy cưới và bó hoa của cô Dâu lần đầu tiên bước lên xe hoa.

Mầu đen:Tráng lệ, uy nghiêm, thần bí, độc đáo. Mầu đen là mầu tang của nhiều nước ở châu Âu nhưng cũng là mầu của bộ trang phục nam, lịch sự, quý tộc trong các dạ hội. Hoa mầu đen là hoa cực kỳ hiếm (hoa hồng đen, hoa tuy líp đen).

Mầu tím:Thanh cao, đằm thắm, mộng mơ, mầu đợi chờ, mầu chung thủy.

Mầu tía:Yêu kiều, đằm thắm, dịu dàng, chân thành. Mầu sang trọng nhất của thời phong kiến Á Đông (Lầu son, gác tía).

Mầu Lam:Mầu của nước biển, của bầu trời, màu trong sáng, màu của hòa bình.

Mầu lục:Thanh tân, tao nhã, sống động, hấp dẫn. Trong 7 màu sắc của cầu vồng, mầu lục có bước sóng ánh sáng trung bình, máu tím có bước sóng ngắn nhất, mầu đỏ có ánh sáng dài nhất, nên mầu lục là mầu dịu mắt hơn cả, mầu của muôn loài thực vật.

Mầu vàng:Trong sáng, thần bí, kiêu sa, thanh nhã. Màu sung túc thịnh vượng, quý tộc, mầu của nhà Vua, màu của kim loại quý nhất , Vàng. Vàng được dùng để mạ các đồ vật trong cung điện, nhà thờ. Mầu vàng cũng là mầu của mùa thu.

Mầu hồng, màu đỏ:Rực rỡ, nồng nhiệt, may mắn, huy hoàng, hào hoa. Màu đỏ thời xưa là mầu đắt nhất, nên các vị Đại đế La Mã và các Vua Chúa châu Âu bận quần áo màu đỏ.

Mầu đỏ là mầu của máu, nên nhiều dân tộc coi là màu của cách mạng, mầu của đấu tranh.

Lan Kiếm ở rừng Việt Nam có ít loại hoa mầu đỏ nhưng rồi sau chúng ta cũng tìm thấy hoa Trần Mộng, có mầu đỏ cánh gián và gần đây tìm thấy hoa lan Anh Cơ có mầu đỏ cờ.

Nhiều mầu:sặc sỡ, phồn vinh – hoa lệ.

Pha lê trên cánh hoa:Kỳ diệu, lung linh, cao quý, trong sáng, ngọc ngà. Hoa có pha lê rực rỡ hơn lên. Một sớm mùa xuân, đứng giữa vườn Lan Kiếm đang nở rộ, muôn hồng ngàn tía, hương đưa ngan ngát, chúng ta sẽ đồng cảm với nhà thơ Xuân Diệu.

Ta muốn tắt nắng đi Cho mầu đừng nhạt mất Ta muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi(2)

(1)Trích trong bài: Mạch thượng tang (2)Bốn câu mở đầu bài: Vội vàng của Xuân Diệu gửi Vũ Đình Liên

Trồng Và Chăm Sóc Địa Lan Kiếm

Ngày nay, địa lan kiếm là một trong những loài lan được trồng với giá thể, có lá bản nhỏ, dài, cong, đầu là nhọn như mũi kiếm. Giá thể có thể là đất, cũng có thể là giá thể nhân tạo. Gọi là địa lan kiếm (cymbidium) để phân biệt với các loài lan khác.

Trồng và chăm sóc Địa lan kiếm

1. Những kiến thức chung

Lan kiếm có 2 giống chủ yếu:

– Địa lan kiếm Nam Á: được tuyển chọn và thuần dưỡng lâu đời ở nước ta, nhất là ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Sơn Tây… gọi là địa lan kiếm truyền thống.

– Địa lan Bắc Á: mới được nghiên cứu ở VN những năm gần đây, được thị trường ưa chuộng vì lá to, hoa có màu sặc sỡ. Chúng sinh trưởng thích hợp với vùng có nhiệt độ thấp, mát mẻ quanh năm như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt,…

Tiêu chí để tuyển chọn địa lan kiếm là những phẩm chất đặc biệt như:

– Có hương thơm đặc biệt

– Có màu sắc hoa thanh nhã

– Có hình dáng cân đối giữa lá và hoa

– Mùa ra hoa theo yêu cầu, thường là dịp tết Nguyên Đán

Các loài địa lan kiếm thường nở hoa vào dịp tết Nguyên Đán gồm:

– Mặc lan: Đại mặc, mặc biên, màu hoa nâu đậm

– Thanh lan: màu hoa xanh ngọc

– Hoàng lang: Hoàng vũ, Đại hoàng, màu hoa vàng nhạt

Mùa hè có lan Bạch ngọc, Tố tâm; cuối thu đầu đông có lan Trần mộng (có nơi gọi là Tần mộng).

Có người coi trồng địa lan là rất khó nên ngại chơi, nhưng khi đã nắm vững kĩ thuật, nhất là ngày nay, có nhiều loại giá thể, chất bón và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả thị việc trồng địa lan kiếm không khó.

2. Điều kiện nuôi trồng địa lan kiếm thành công

Giống

Giống phải phù hợp với môi trường ta định trồng và nơi thiết lập vườn lan, ví dụ ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ thì không thể trồng địa lan Bắc Á.

Chọn giống phải chặt chẽ:

– Cây lan khỏe mạnh, lá xanh tốt, cứng cáp, không có dấu vết bệnh tật như có đốm đen, đầu lá héo, lá vàng,…

– Nơi cung cấp giống phải có uy tín và chất lượng.

Phải nắm vững kĩ thuật, phải được học tập kiến thức và thực hành thành thạo. Cần có sách vở, tài liệu để tra cứu khi cần.

Phải có môi trường phù hợp.

Ánh sáng

Vừa giúp cây lan sinh trưởng và phát triển. Ánh sáng cũng quyết định đến chế độ ra hoa của cây lan, bao gồm 2 yêu cầu:

– Thời gian chiếu sáng: thời gian chiếu sáng tối thiểu trong ngày và tổng thời gian chiếu sáng trong năm. Trung bình 1 ngày cần 5-8 giờ.

– Cường độ chiếu sáng: nói chung các loại lan đều ưa sống dưới ánh sáng tán xạ như dưới các bóng cây. Ánh sáng tốt nhất là vào buổi sáng, ta có thể cho ánh sáng chiếu trực tiếp. Khi mặt trời lên cao, ánh sáng gay gắt thì phải để lan ở trong giàn che bằng lưới, đảm bảo ánh sáng là 60-70%. Mỗi lớp lưới giảm được khoảng 30% ánh sáng. Nếu có dụng cụ đo ánh sáng để điều chỉnh thì chính xác hơn.

Quan sát lá cho ta biết ánh sáng đủ, thừa hay thiếu:

– Ánh sáng đủ hợp lí: cây lan có màu xanh hơi ngả vàng. Mặt lá sáng bóng, thân và lá cây cứng cáp.

– Ánh sáng thừa: lá có màu vàng hơi đậm, đầu lá bị khô.

– Ánh sáng thiếu: lá màu xanh đậm, mặt lá kém bóng, lá sẽ to ra và mỏng đi.

Nhiệt độ

Nhiệt độ giúp cho hệ thống của cây lan hoạt động như: hệ thống quang hợp, hệ thống hô hấp, hệ thống dẫn truyền dinh dưỡng, hệ thống ra hoa,… Nếu nhiệt độ tăng thì các hệ thống sẽ hoạt động và ngược lại. Tuy nhiên việc tăng hay giảm nhiệt độ để điều khiển cây lan phát triển cũng có giới hạn. Địa lan kiếm ưa nhiệt độ mát mẻ.

Nhiệt độ lí tưởng để cây lan phát triển là 20-30 độ C.

Nhiệt độ tối thiểu và tối đa cây lan chịu được: 15-35 độ C.

Thời kì lan ra hoa phải có nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm là 10 độ C, nhiệt độ tối ưu: ban đêm từ 7-10 độ C, ban ngày từ 18-22 độ C.

Chế độ tưới nước và độ ẩm

Nước có vai trò truyền dẫn các chất dinh dưỡng đến các bộ phận của cây lan. Địa lan kiếm ưa ẩm nên cần duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây.

Tuy nhiên từng thời kì khác nhau có thể yêu cầu về độ ẩm khác nhau:

– Cần nhiều nước trong giai đoạn cây đang đẻ con, cây con đang phát triển, sau thời kì ra hoa.

– Giảm lượng nước khi giả hành đã phát triển hoàn chỉnh.

– Cấp nước tối thiểu khi cây chuẩn bị ra hoa.

– Tăng lượng nước khi cây có chồi hoa để cành hoa phát triển.

Tưới lượng nước bao nhiêu còn tùy thuộc vào giá thể bạn sử dụng. Nếu giá thể giữ nước như rong biển thì chỉ cần tưới một lượng ít nước cũng đủ. Trái lại những giá thể giữ ít nước thì cần tưới nhiều hơn. Nguyên tắc chung là rễ lan luôn luôn ẩm nhưng không được ướt sũng. Nếu giá thể ướt sũng thì nhiều mầm bệnh dễ phát triển, rễ lan dễ bị thối.

Chế độ giữ ẩm cho lan tốt nhất là phun sương mù, 2 giờ phun 1 đợt.

Nếu có thể đặt chậu hoa lan kiếm trên 1 khay nước, đáy chậu cách mặt nước 3-4cm, để lan hút hơi nước.

Không khí

Nơi để lan cần có thông gió tốt, không khí trong lành, không bị ô nhiễm.

Không khí lưu thông giúp cho nước trong lá lan bốc hơi nhanh, sẽ tăng cường sức hút dinh dưỡng của rễ cho lan.

Dinh dưỡng

Chất dinh dưỡng cho lan chủ yếu là N-P-K và những chất vi lượng (Mangan, magne, brom, lưu huỳnh, sắt, đồng, kẽm,… một số vitamin nhóm B).

Đối với địa lan kiếm hạn chế bón phân hữu cơ vì có nhiều mầm bệnh, phân vô cơ dễ sử dụng hơn.

– Thời kì cây đang phát triển: phân N-P-K là 30-10-10

– Cây trưởng thành: N-P-K là 20-20-20

– Thúc đẩy cây ra hoa: N-P-K là 15-30-15

– Chu kì bón từ 5 đến 10 ngày một lần. Nồng độ tùy theo hướng dẫn trên bao bì nhưng kinh nghiệm nên dùng từ 50-70% theo hướng dẫn là an toàn hơn.

– Thời gian bón tốt nhất là vào buổi sáng, ánh nắng yếu, không bón khi trời mưa.