Cách trồng đậu que ra quả xum xuê vào đúng mùa vụ
Tổng quan
Đậu que còn được gọi là đậu ve, hay tên gọi “hoa mỹ” hơn là đậu cô ve. Quả đậu que dài khoảng 14-16cm, thân tròn với đường kính từ 0,7-0,8cm, chứa hạt trắng có trọng lượng 15-18g, vị ngọt và ngon. Chúng có nhiều loại giống khác nhau được trồng với hương vị và màu sắc khác nhau như từ màu vàng tới màu lục nhạt, lục đậm hoặc hơi chuyển sang tím một chút. Đậu cô ve được bảo quản khá dễ dàng như đóng hộp, làm rau củ đông lạnh để xuất khẩu, dự trữ, hoặc dùng ăn tươi.
Hàm lượng dinh dưỡng: Bộ Nông nghiệp Mỹ đã nghiên cứu ra rằng, một chén nhỏ đậu que tươi khoảng 100g có chứa các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như calo, carbohydrate, chất xơ, đường, và protein nhưng không hề có chất béo. Đậu que chứa nhiều vitamin A, vitamin C và vitamin K, giàu folate, sắt, magie, kali,…
Lợi ích đối với sức khỏe: Việc dùng những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như đậu que đã được chứng minh từ các nghiên cứu trướcn như giảm nguy cơ đái tháo đường, bệnh tim, nguy cơ đột quỵ nói chung. Đặc biệt hơn, những thực phẩm giàu folate như đậu que rất tốt đối với người có dấu hiệu bị trầm cảm, nhờ ngăn kịp thời mức độ homocystein tăng quá cao trong cơ thể.
Cách chế biến: Đậu cô ve có thể được dùng chế biến nhiều món ăn tuyệt vời như đậu que xào thịt bò, thịt xông khói cuộn đậu que, lòng mề gà xào giá đỗ và đậu que, salad đậu que, gỏi đậu que tai heo, ức gà xào đậu que cà rốt, canh chua cá diêu hồng đậu que, đậu que cà rốt xào nấm, cơm chiên chả trứng đậu que, đậu que xào tàu hủ, đậu que xào tỏi,…
Lợi ích kinh tế: Trồng đậu que tại nhà là một ý kiến sáng suốt, vừa tiết kiệm chi phí đi chợ, vừa có thể tận dụng dụng cụ có sẵn tại nhà.
Trước khi gieo trồng, bạn cần ngâm hạt trong nước ấm với tỷ lệ 2:3 (2 nước sôi và 3 nước lạnh). Sau đó, vớt hạt ra để ráo rồi ủ trong khăn ẩm trong vòng 4-6 tiếng, sau 24 tiếng hạt sẽ nứt nanh và bạn có thể đem trồng rồi đấy. Một lưu ý quan trọng là khăn vải mà bạn sử dụng, không được để quá ướt, cũng không được quá khô vì như vậy sẽ làm hư hạt và cho tỷ lệ nảy mầm thấp.
Bạn có thể sử dụng đất sạch có sẵn ở nhà, nên mua thêm một ít phân chuồng ủ hoai và vôi về trộn vào, cày bừa đất kỹ và dọn dẹp sạch cỏ dại. Cần lưu ý phơi đất trong vòng 1 tuần lễ để diệt tất cả các mầm bệnh trước khi bắt đầu gieo hạt.
Đối với cách trồng cây đậu cô ve, bạn nên gieo hạt theo hàng, gieo một hốc 2-3 hạt với khoảng cách mỗi hốc cách nhau 20-25cm. Sau đó, bạn phủ thêm một lớp đất mỏng lên hạt và rải thêm rơm rạ trên bề mặt. Lưu ý nhỏ là đối với lượng hạt giống đã ngâm, bạn nên dùng hết trong ngày, nếu để qua ngày hôm sau rễ sẽ mọc dài và khi gieo trồng rễ dễ bị gãy.
Với cách trồng đậu que này, bạn cũng cần tưới đều đặn 2 ngày/lần để đảm bảo đất luôn có đủ độ ẩm cho hạt nảy mầm nhanh nhất có thể.
Cây đậu que rất dễ sinh trưởng và phát triển trong hầu hết các môi trường mà không cần bón nhiều phân. Bạn chỉ cần tưới nước, cung cấp đủ độ ẩm cho cây để phát triển là được.
Cây đậu que sẽ nảy mầm và ra lá sau 10-15 ngày. Sau khi cây mọc 1-2 lá, bạn nên bắt đầu tỉa bớt những cây yếu, còi cọc.
Khi cây được 3-4 lá, lúc này, bạn cần làm cọc cao từ 2-2,5m cho cây leo. Bạn nên cắm giàn hình chữ A, để cho đậu que leo tường rào và ban công.
Sau 40-50 ngày là đậu que của bạn có thể thu hoạch được, không được để trái quá già, nhiều xơ, như thế sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn và giảm đi chất lượng của đậu que. Cây sẽ cho thu hoạch từ 4-5 đợt. Khi thu hoạch nên dùng dao cắt đi hoặc dùng tay vặn nhẹ trái, không được giật mạnh sẽ làm hoa rơi và rụng trái non.
Các loại sâu bệnh phổ biến trên cây đậu que: sâu xanh, rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ,… Bạn nên hạn chế sử dụng thuốc hóa học để phòng ngừa nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Có thể pha dung dịch tỏi gừng ớt để phun lên lá, nấm ba màu, hoặc nhổ bỏ những cây bị hại nặng, giúp vườn thông thoáng và lưu ý luôn xử lý sạch đất trước khi trồng đợt mới.