Bạn đang xem bài viết Kinh Nghiệm Để Hoa Lan Lâu Tàn – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan được cập nhật mới nhất trên website Duhocaustralia.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ HOA LAN RỪNG LÂU TÀN
Hầu hết các giống lan công nghiệp hoa nở rất lâu tàn, thế nhưng với một giò lan rừng, trong khi phải bỏ ra bao nhiêu công sức mới có được, vậy mà nhiều khi hoa chỉ nở được dăm bảy ngày. Vậy phải làm cách nào để các giò lan khoe sắc được lâu hơn? Sở hữu hàng trăm giống lan đủ loại, xuân – hạ – thu – đông khi nào cũng có lan nở trong vườn, tôi đã kiểm chứng và ghi chép lại số liệu thực nghiệm, từ đó đúc kết được kinh nghiệm để giữ những giò lan rừng lâu tàn. Nhân dịp tết đến xuân về, tôi xin được chia sẻ, với hy vọng giúp ích phần nào cho người yêu hoa có được những giò lan rừng bền lâu.
1. Trong thời gian lan nụ và nở hoa
thì không (hoặc hạn chế tối đa) tưới nước vào nụ và hoa vì sẽ làm thối nụ, hoa, hoặc làm dập nát hoa. Đặc biệt tránh để hoa dầm mưa, nếu lan nở hoa ta nên cho vào trong mái hiên hoặc nơi có đủ ánh sáng mà không bị mưa táp vào.
Tóm lại cần hạn chế tưới nước, đây là kinh nghiệm mà tôi tâm đắc nhất. Giò Đại Ý Thảo (hình 1), 4 ngày tôi mới phun 1 ít nước vào giá thể và rễ (không đẫm, chỉ đủ ẩm rễ, giúp rễ không bị chết khô), thế mà hơn 20 ngày hoa vẫn chưa tàn. Cũng giò Đại Ý Thảo đó, năm ngoái có hoa nhưng tôi để ngoài vườn, tưới nước bình thường, đúng 8 ngày tàn hoa. Thật không thể tin nổi! Các bạn sẽ thấy sau 20 ngày, giả hành của lan bị tóp lại, nhưng yên tâm, lan rất lì và sẽ không chết. Hết hoa tưới lại bình thường, sau 1 – 2 tuần giả hành sẽ lại căng trong lên ngay. Kinh nghiệm này áp dụng với hầu hết các loại lan đa thân (thân thòng) ví dụ như các loại: Kiều (Thủy Tiên), Dendro, Giả Hạc, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Hoàng Thảo Kèn, Trầm…
Thêm ví dụ khác về giò Kiều Trắng, nếu nở hoa bạn tưới nhiều nước hàng ngày vào gốc và giá thể thì khoảng 5-7 ngày hoa sẽ tàn. Nếu 2 ngày bạn mới phun sương 1 chút nước vào rễ thì có thể giữ hoa được 10 – 15 ngày. Riêng đối với các loại lan đơn thân như Ngọc Điểm, Đuôi Cáo, Sóc Lào, Sóc Ta, Hải Yến… thì vẫn nên tưới hàng ngày để lá không bị nhăn và hạn chế rụng lá chân. Có thể không tưới thì hoa lâu tàn hơn một chút, nhưng cái được không bù cái mất khi lá bị vàng và rụng.
2. Không nên bón phân trong lúc lan đang hoa
. Vì ra hoa chính là một cách duy trì nòi giống khi tới mùa hoặc cây bị báo động nguy hiểm tới sinh mệnh, bởi vậy khi bạn bón phân vào (đặc biệt là các loại phân giàu đạm), cây không có cảm giác sắp chết đói nữa, nó sẽ đánh thức các mắt ngủ và làm hoa tàn nhanh để giữ chất đẻ con. Nếu có phun phân thì chỉ phun chút xíu vi lượng vào bộ rễ, đặc biệt không phun phân dính vào nụ và hoa (khoảng 1/3 tới 1/2 liều ghi trên bao bì).
3. Nên để lan chỗ ít gió
, ít côn trùng để tránh làm khô cánh hoa, tránh hoa bị thụ phấn. Các bạn muốn thử nghiệm, hãy thụ phấn cho hoa hoặc để chậu lan chỗ gió to; lấy quạt thổi vào hoa sẽ nhận thấy ngay, hoa sẽ chỉ nở được số ngày bằng 1/4-1/2 số ngày trung bình của giống lan đó.
4. Nhiệt độ vừa phải,
càng nóng lan càng nhanh nở và nhanh tàn. Có 1 ví dụ cụ thể như thế này: Hai giò Long Tu khi mới hơi sưng mắt nhú nụ, 1 giò mang vào chỗ ánh sáng 35% và nhiệt độ 15 độ C thì khoảng 30-35 ngày hoa mới nở, giò kia mang ra chỗ nóng 32 độ và nắng 70% thì khoảng 18 ngày sẽ nở hoa. Nếu hoa nở giữ ở mức nhiệt 18-22 độ thì khoảng 15 ngày hoa sẽ tàn, nếu mức nhiệt 32 độ thì khoảng 10 ngày sẽ tàn. Ánh sáng nên vừa phải. Lan sẽ rực rỡ hơn và thơm hơn nếu đủ nắng, nhưng nhiều nắng quá, lan sẽ nhanh tàn, cánh nhanh bị khô héo. Quá tối, màu hoa rất nhợt nhạt và ít thơm.
Khi mua lan ở vùng khác về, bạn phải tìm hiểu xem vùng đó nóng hay lạnh để treo lan trong giàn chỗ có khí hậu gần với chỗ bạn mua nhất, tránh bị sốc nhiệt gây hỏng nụ và hoa.
5. Trước mỗi mùa hoa
, bắt buộc phải phun thuốc diệt côn trùng gây hại, chẳng hạn: Kiến sẽ mang rệp tới hút nhựa nụ và hoa, cuống hoa; Gián ăn nụ và hoa vào ban đêm, Bọ trĩ hút chất trên nụ và hoa; Muỗi hút nhựa nụ và hoa; Ong vàng và Kiến đen sẽ chích và đẻ trứng vào nụ và cánh hoa… Khi phun thuốc nhớ phun khắp vườn, cả nền đất và các cây lớn xung quanh, phun ướt giá thể. Hiệu quả nhất là phun lúc chiều gần tối ít nắng, không mưa và gió lặng. Phun thuốc thốc từ dưới lên để ướt mặt dưới lá hoặc ướt giá thể và chậu lan. Bạn cũng có thể dùng các loại thuốc sinh học tự chế từ thảo dược, vấn đề này tôi đã viết rất chi tiết trong bài 43 https://hungnguyendalat.com/nnh-b43/.
Khi bắt buộc phải phun các loại thuốc nấm và khuẩn để phòng và trị bệnh cho lan vào lúc có nụ và hoa thì tốt nhất nên phun né nụ và hoa ra. Phải đuổi sên và ốc sên đi với vỏ trứng đập nát bỏ vào giá thể hoặc rải bả sên trước khi lan ra nụ vì sên rất thích ăn cánh hoa.
6. Khi nhành hoa có 1 bông héo,
phải ngay lập tức cắt bỏ vì khí và năng lượng tiêu cực từ bông hoa héo úa sẽ làm ảnh hưởng tới các bông xung quanh. Nên treo giò lan tránh xa khói thắp nhang và khói thuốc lá vì khí ethylen sẽ làm rụng cả nụ lẫn hoa. Khi thưởng hoa, không nên sờ vào hoa, không được nắn bóp nụ. Phải coi bông hoa như 1 người con gái mới nhớn, bạn chỉ được nhìn bằng mắt, cấm sờ vào hiện vật, sờ vào sẽ gây ra những tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng.
7. Điều cuối cùng:
Cây lan phải to, khỏe, sung thì hoa mới lâu tàn,bởi vậy giai đoạn chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng trước khi ra hoa cũng rất quan trọng. Cùng 1 lô lan Hoàng Lạp: 1 chậu cây sung mãn, hoa nở 15 ngày; 1 chậu cây èo uột, hoa nở 7 ngày tàn. Nếu trước khi tạo nụ 1 tháng, bạn bổ sung đủ lân, kali và vi lượng (ví dụ 6-30-30TE) thì hoa sẽ to hơn, lâu tàn hơn, màu sắc đậm và rực rỡ hơn. Nếu thiếu Kali hoa sẽ nhạt màu, thiếu Mo và Bo nụ sẽ rụng (2 yếu tố vi lượng). Nếu thực sự yêu lan, không nên chơi hoa cho tới khi hoa tàn hẳn. Khi hoa có 1 chút dấu hiệu héo thì nên ngắt hoa đi để dưỡng cây, tránh cây bị kiệt sức. Cũng không nên quá chạy theo sự sai hoa mà ép cây; bình thường một giả hành Kiều 1 – 2 vòi nụ là đẹp và khỏe, nếu ép ra bốn, năm vòi nụ thì không những hoa sẽ nhanh tàn mà cây con mọc ra sẽ bị yếu, khó lớn nổi.
Bài viết này được đăng trên tạp chí VIỆT NAM HƯƠNG SẮC – cơ quan ngôn luận của trung hương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam – số ra 293 nhân dịp tết Mậu Tuất 2018.
Tôi xin phép ngoài lề 1 chút: Tạp chí Việt Nam Hương Sắc là 1 cuốn tạp chí tổng hợp các thông tin và các bài viết có chất lượng về Hoa Lan, Cây cảnh – Bonsai, Chim cảnh, Cá cảnh, Chó cảnh, Gỗ lũa, Đá cảnh và nhiều các vấn đề khác về Sinh Vật Cảnh trong và ngoài nước.
Một cuốn 26 ngàn (gửi ra nước ngoài là 4USD), mọi chi tiết đặt tạp chí bạn có thể liên hệ: ĐT: 02432.4444.29 – 0963.298.396 Hoặc liên hệ Email: tcvnhs@gmail.com (viết tắt của Tạp Chí Việt Nam Hương Sắc) Hoặc bạn có thể giao lưu trực tiếp với anh Tổng Biên Tập: Nguyễn Thắng Nguyen Thang
Tôi mong bạn có lan chơi tết và thậm chí chơi tới rằm tháng giêng, chắc chắn bạn bè của các bạn cũng mong muốn như thế. Vì vậy xin hãy CHIA SẺ bài viết này trên trang cá nhân của bạn để bạn bè của bạn có thể đọc được. Xin hãy yêu lan 1 cách vô tư trong sáng và CHIA SẺ những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng!
Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng
Hoàng Thảo Ý Ngọc – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan
Hoàng Thảo Ý Ngọc – Dendrobium transparens (Bài 35)
Ý Ngọc – Nàng Công Chúa Từ Bi
Trúc Quan Âm, U Lồi, Hoàng Thảo Kèn làm tương tự
Ý Ngọc – Ngọc Như Ý. Chỉ nghe tên, chưa cần gặp mặt nàng, ta đã có cảm tình tốt đẹp rồi. Vậy Ngọc Như Ý nghĩa là gì?
“Để thành tựu trong thế giới này, cần có đủ ba điều kiện: trí tuệ, từ bi, và lòng can đảm. Ba điều này dẫn đến một đời sống thành công, hạnh phúc, và viên mãn”.
Trong một bài kệ rất đẹp, ngài Santideva (Tịch Thiên) so sánh bản chất chân thật của tâm với một viên kim cương lớn nằm trong một đống rác mà chúng ta qua lại mỗi ngày. Đó là viên ngọc Bồ Đề Tâm – Tính chất từ bi và thương yêu của chúng ta. Nó được gọi là viên Ngọc Như Ý vì nó đem đến hạnh phúc và thành tựu. Rác là ẩn dụ cho vọng tâm, tâm thức rong ruổi không biết dừng, thiếu vắng lòng tin vào nguồn gốc của hạnh phúc chân thật là Từ Bi.
Trong tiếng Thụy Điển, transparens nghĩa là Minh Bạch. Sao lại gọi là Minh Bạch? Phải chăng khuôn bông là một màu trắng tinh khiết làm nền và có mắt hoa màu tím rất rõ ràng minh bạch?
Lần đầu tiên tôi gặp nàng cách đây cũng 5 năm rồi, sao lại có một mặt hoa lại yêu kiều và tinh khiết đến thế! Màu trắng tinh khôi, cánh bay vút, và cái lưỡi hình kèn, họng kèn màu tím đậm, tím của sự thủy chung chứ không phải tím nhạt hoa cà hoa muống. Hai màu đối lập nhau rất rõ ràng, giống đôi mắt của người thiếu nữ mới lớn với hai màu trắng tím.
Đứng xa nửa mét, ta có cảm giác như không có hương thơm, nhưng ghé sát vào nàng, ta lại thấy một mùi thơm rất lạ, rất nhẹ và man mát. Chỉ thoang thoảng hương đưa mà thôi.
Tôi tìm tài liệu của nước ngoài, từ tiếng Anh tới Pháp, Trung Quốc, Thụy Điển và Hy Lạp… cả thế giới người ta công nhận nàng có mùi thơm nhẹ và lạ, chỉ có Việt mình chụp cho nàng mùi phân gián.
Thưởng thức hương thơm của lan nói chung, bạn đừng dí sát mũi vào ngửi, cách xa 1 chút, tận hưởng sự thoang thoảng hương đưa thôi. Ngay cả Phi Điệp mà dí mũi vào ngửi còn thấy hắc nữa là. Mùi gì cũng vậy, nồng độ đậm đặc đều khó chịu.
Tôi thấy đẹp, mà mắt thẩm mỹ tôi cũng không tệ lắm, nên tôi nghĩ nhiều người cùng cảm nhận như tôi. Chính bởi thế, tôi trồng rất nhiều Ý Ngọc trong vườn vừa để thưởng thức, vừa để giao lưu. Có nhiều khi các nàng đua nhau khoe sắc trắng 1 góc vườn, mà tôi có thấy hôi tí nào đâu! Ý kiến cá nhân tôi vậy, bạn có thể có cách cảm nhận khác, nhưng nếu chưa cảm nhận thực tế, hãy thử như tôi – Chinh Phục Nàng Công Chúa này tại vườn nhà mình.
Khoe sắc 10-30 ngày (bạn nên kéo lại xem bài Giữ hoa lâu tàn), hoa to trung bình 4cm, một mắt ra 2-3 bông. Giả hành trung bình cao 50cm.
CHINH PHỤC
Yêu cái đẹp thì dễ, tạo ra cái đẹp mới khó! Chạy theo người đẹp nghèo khó chạy theo bạn – Tạo ra cái đẹp, người đẹp đi theo bạn!
Đã là CÔNG CHÚA, thì dễ gì cho bạn chinh phục!
Đỏng đảnh, khó chiều, khó nuôi, khó thuần… làm được mới gọi là Chinh Phục.
Quê hương nàng ở khắp vùng Nam Á, sống ở độ cao 500m – 2100m. Ở Việt Nam, quê hương nàng ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La (nhiệt 21-23 độ C).
Tóm lại, bạn muốn chinh phục nàng, phải tạo môi trường sống:
Có nhiều nắng nhưng không nóng Ẩm nhưng không ướt sũng Gió nhẹ chứ không bão
Triển Khai:
– Mua ký về hoặc hàng thuần đã quá 3 năm không thay giá thể ta nhổ ra luôn. Cắt tỉa rễ sạch sẽ (để lại 1-2cm nếu bạn dùng súng bắn ghim), cắt lá và giả hành dập nát đi. (Thời điểm ghép thuận nhất là trước khi mầm dưới gốc giả hành mẹ bung).
– Ngâm Physan 20 với nồng độ trên bao bì 1ml pha 1 lít nước trong 10 phút. Vớt ra, treo ngược cho khô ráo và ghép.
– Nguyên tắc là cố định gốc thật chắc và để hở gốc, tuyệt đối không lấp gốc.
– Phun Siêu lân kích rễ (10-60-10) hoặc B1 kích rễ trộn với Atonik kích mắt ngủ. Dĩ nhiên công đoạn này bạn có thể làm trước khi ghép. Nếu có các loại chế phẩm như keiki spay, Duy, chế phẩm Hùng Nguyễn thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng như hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Treo chỗ mát, thoáng, ít nắng và tốt nhất là nên che mưa trong 1 tháng đầu tiên. Quá trình này cứ 7 ngày phun phân và thuốc phòng bệnh 1 lần.
– Nàng này ưa mát, nên sau 1 tháng, bạn cho ra ngoài, ăn nắng 70% (1 lớp lưới xanh đen Thái) nhưng treo thật xa lưới ra. Càng xa càng tốt. Nếu bạn ở xứ nóng, giàn cao 3,5m thì nên treo lan cách mặt đất 1-1,5m thì nàng mới ở cùng bạn. Nếu bạn treo em lên cao cách lưới 1,5m chẳng hạn, nóng quá nàng thoát y (tuột hết lá) và ra đi.
– Bọn nhện đỏ rất thích hút nhựa và dinh dưỡng của nàng, đặc biệt là mùa khô. Vì thế, đầu mùa khô, bạn nên phòng với Peseu vài ba lần, định kỳ 20 ngày 1 lần.
– Bệnh hay gặp nhất chỉ có mỗi thối đen do nấm Phytophthora, tóp mầm non, gục mầm non. Chỉ cần bạn pha Kasumin+Antracol hoặc Starner+Aliette phun phòng bệnh định kỳ 10-20 ngày 1 lần, giàn thoáng thì vô tư luôn.
– Bạn nhớ phải chằng cột khi nàng mọc cao lên, vì gốc khá cứng và giòn chứ không dẻo bằng Giả hạc – Phi điệp nên rất dễ gập gốc khi nặng quá và có gió. Nếu muốn giả hành cứng, dẻo thì lượng lân và kali phải đầy đủ. Quan điểm của tôi, thích để nàng đứng thẳng, không nên ghép ngang vào bảng gỗ hay dớn, vì mầm non hướng lên trời, giả hành mẹ chúc xuống đất trông xấu, và khi giả hành non lớn lên, sẽ bị gập gốc.
– Thường thì nàng khai hoa vào tháng 2-5 âm lịch, sau 1 quá trình ngủ khoảng 30 ngày. Năm nay khí hậu quá thất thường, nhà tôi nở đầy vườn rồi. Hazz. Chuyện gì cũng có thể xảy ra được các bạn ạ!
– Xứ nóng có rất nhiều người đã chinh phục thành công, ra hoa khá nhiều chứ không phải là không thể ra hoa. Còn nếu quá khó ra hoa, bạn có thể căn trước khi vàng rụng lá 1 tháng, ta phun phân có hàm lượng Lân và Kali cao (10-30-30, 10-30-20, 6-30-30, 10-60-10….) Tuần phun 1 lần, loãng bằng 2/3 hướng dẫn bao bì, phun 3-4 lần là được.
Khi bạn chinh phục được Ý Ngọc, thì Hoàng thảo Kèn, U lồi, Trúc Quan Âm chắc chắn bạn sẽ chinh phục được. Vì các nàng giống y như nhau. Tôi chỉ viết 1 bài về lan LÁ MỎNG, ƯA MÁT này là đủ để bạn áp dụng cho hàng loạt giống lan khác rồi. Hình ảnh về kỹ thuật ghép trong bài là lan Hoàng Thảo Kèn tôi mới ghép để làm thị phạm cho các bạn.
Tôi đã rất thành công trong việc chinh phục nàng Ý Ngọc, nay chia sẻ kinh nghiệm để tất cả những ai yêu cái đẹp đều có được hạnh phúc như tôi.
Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng
Bài 44 – Lan Hải Yến – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan
LAN HẢI YẾN – Bài 44
Đến với loài hoa này, tôi nhận cay đắng nhiều hơn là hạnh phúc!
Dù là cây lan rất đẹp, dù là bộ rễ rất tình, dù màu sắc mặt bông rất đáng yêu với hương thơm ngọt ngào vào những ngày hè nóng bức hay ngày thu mát mẻ, thì vẫn không thể nào khỏa đi sự cay đắng khi các nàng cứ lần lượt ra đi không lời từ biệt.
Phải công nhận, Hải Yến là một trong những giống lan khó trồng nhất trong các giống lan đơn thân.
Tên khoa học: Rhynchostylis coelestis Reichb. f.
Được tìm thấy ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ở các rừng rậm và những cánh đồng hoang dã ở độ cao từ 0 – 700 m.
Tên tiếng Latin của Hải Yến là “coelestis” dịch sang tiếng Anh là Bầu Trời Xanh. Có lẽ để chinh phục được bầu trời chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Chắc tại bông hoa trắng xanh với vòi bông chĩa thẳng lên trời, nên em ấy mới có tên như vậy.
Còn tên tiếng Việt thì tôi thực sự cũng không biết giải thích thế nào cho chuẩn. Phải chăng ở Việt Nam người ta hay nhìn thấy Hải Yến gần biển (ví dụ như Ninh Thuận, Bình Thuận…)? Hay tại những bông hoa nhìn như chim yến bay trên mặt biển?…
Điều đáng mừng nhất là tên Hải Yến được toàn giới chơi lan Việt Nam gọi, không giống như người họ hàng cùng chi là cây Ngọc Điểm, người ta cứ gọi loạn cả lên. Ngoài Bắc thì gọi là Đai Châu, Nam thì Ngọc Điểm, Trung thì Nghinh Xuân, rồi một số bạn lại gọi Tai Trâu, rồi Lan Me…
CÁCH TRỒNG, CHĂM SÓC, PHÂN THUỐC
A. CHỌN VÀ XỬ LÝ GIỐNG
Ưu tiên hàng đầu là lá không gãy dập, còn lại có nhiều rễ khỏe thì tốt, mà không có rễ cũng không sao.
Cắt bỏ lá thân rễ thối, dập, nát. Để lại khoảng 3-5 cái rễ, độ dài từ 3-10cm tùy giá thể lớn hay nhỏ.
Ngâm giống vào dung dịch Physan 20 nồng độ 1ml/1 lít nước trong 10 phút. Hoặc ngâm với dung dịch thuốc trị nấm khuẩn (bạn cứ ra nhà thuốc nói chủ cửa hàng bán cho BỘ ĐÔI TRỊ NẤM KHUẨN CHO RAU VÀ HOA MÀU), pha đúng liều ghi trên bao bì và ngâm lan vào đó 10 phút. Hoặc pha Benkona liều 2ml/1 lít nước và ngâm lan 10 phút. Nếu không có các loại trên, ngâm nano bạc cũng được.
Vớt ra, để ráo rồi ngâm vào dung dịch kích thích ra rễ như B1 hoặc Siêu Lân hoặc Terra-Sorb 4 Chế Phẩm Hùng Nguyễn trong 1-2 tiếng tùy độ héo của cây. Cây suy kiệt thì ngâm lâu hơn. Vớt ra và chuẩn bị ghép. Nếu ngâm siêu lân chỉ nên ngâm 15 phút thôi kẻo cây chết xót. (Atonik hiệu quả rất thấp trên lan đơn thân nên tôi bỏ luôn).
Hải Yến ghép mùa nào cũng được, nhưng tốt nhất vẫn là lúc lan ra nụ, bạn vặt nụ đi và ghép.
B. CHỌN VÀ XỬ LÝ GIÁ THỂ
Hải yến cực kỳ ghét thay giá thể. Bạn ghép vào giá thể nào càng bền càng tốt. Ví dụ như lũa, gỗ cứng, chậu đất nung với viên đất nung hoặc vỏ thông… Nói chung là giá thể gần vĩnh cửu, thoáng và nghệ thuật là được.
Giá thể nào cũng phải ngâm nước vôi 1 tiếng, sau đó rửa thật sạch lại rồi mới tiến hành ghép lan lên.
Khi ghép phải cố định gốc thật chắc chắn và treo hướng nào thì cố định hướng đó, đừng di chuyển liên tục vị trí treo gây ra vặn cây. Nên treo sao cho hai đầu lá hướng về phía đông và tây.
Bạn nên đọc lại bài Kiểm Soát Độ Ẩm, bài Lũa, bài Chăm Lan Suy và Làm Nước Vôi Trong.
C. PHÂN BÓN
Rất đơn giản, đối với tôi và những người chơi lan lãng tử thì càng làm cho mọi chuyện đơn giản càng tốt.
Cứ chục ngày pha 20 giọt chế phẩm Hùng Nguyễn với 1 gam NPK 20-20-20+TE và 25 giọt Nano Đồng với 1 lít nước. Phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Khoảng 10h sáng nên tưới rửa lại là xong.
Suốt năm cứ như vậy, cho tới khoảng tháng 2 âm lịch thì dùng NPK 6-30-30+te (1 gam) pha với Nano Đồng (25 giọt) pha với 1 lít nước để kích thích tạo vòi hoa. Phun liên tục như vậy 4-5 lần, 7 ngày 1 lần, sau đó thì ngừng hẳn phân. Bạn có thể dùng Siêu Lân 10-60-10+TE thay cho 6-30-30+TE.
Sau khi hết hoa hai tuần mới bắt đầu quay trở lại quy trình ban đầu với Hùng Nguyễn + NPK te + Nano Đồng.
D. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH
Có những nhà vườn một mùa thiệt hại hàng trăm thậm chí hàng ngàn giò Hải Yến. Đấy là lý do vì sao hàng ký rất rẻ, nhưng hàng thuần cực mắc.
Có những năm tôi cũng phải vứt bỏ mấy chục giò trong tâm trạng uất ức. Tại sao phun Ridomilgold trắng cả cây mà lá vẫn cứ đen dần dần và chết…
Mãi sau này tôi mới rút ra được kinh nghiệm để trồng không chết cây nào.
Khi bạn mới trồng, nên che mưa 100%. Bạn tưới bao nhiêu cũng không sao, nhưng chỉ cần dính 1 trận mưa vài tiếng là lan bắt đầu bị thối, vết thối lúc đầu hơi nâu đen, nhưng sau đó là đen thui và lây lan, sau đó lá sẽ rụng và lan sẽ chết.
Nếu bạn không che mưa được, thì dù bạn có phun thuốc lan vẫn cứ thối. Trừ trường hợp vườn nhà bạn không có mầm bệnh.
Ridomilgold là thuốc trị nấm, trong khi kiểu thối đó chính là bị vi khuẩn. Vậy nên muốn chữa khi lan đang bệnh, bạn nên pha 1 thuốc trị vi khuẩn (ví dụ Starner hoặc Kasumin hoặc Poner (Streptomycin)) với 1 thuốc trị nấm như Metalaxyl hoặc Antracol hoặc Aliette… và phun ướt đẫm cả giò lan, mặt trên và mặt dưới lá…
Nhưng sau khi phun thuốc phải che mưa 2 -3 ngày và ngừng tưới nước, ngừng bón phân để vết bệnh khô đi. Nếu phun thuốc buổi sáng mà chiều gặp mưa thì vẫn cứ thua.
Tuy nhiên, khi lan đã thuần và sống được sau 1 năm, thì lại khác. Mưa nắng tẹt ga. Nắng 40-70% đều vô tư.
Nói chung, để phòng bệnh hiệu quả nhất, thì chục ngày tới nửa tháng, bạn nên phun thuốc trị nấm và vi khuẩn 1 lần (mua bộ đôi trị nấm khuẩn là tốt nhất). Tôi vẫn hay dùng Nano Bạc tuần 1 lần luân phiên với Agrifos400 nửa tháng 1 lần theo hướng dẫn bao bì.
Bên cạnh đó, hai chục ngày 1 lần, tôi lại phun Movento hoặc Fendona kết hợp Pesieu 1 lần để phòng và diệt các loại côn trùng, sâu hại.
Hai tháng phun nước vôi trong 1 lần.
LỜI KẾT
Giống lan vừa đẹp vừa thơm như thế này, rất đáng để sưu tầm. Chơi lan, theo cá nhân tôi, nên làm sao để trong giàn, tháng nào cũng có hoa nở ngoài sân, vậy mới thú vị.
Mùa mưa (mùa hè) đã đến, nói chính xác ra là mùa của bệnh trên lan, mùa của những đau khổ cho người trồng lan, vì thế, tôi đề nghị bạn đọc lại bài 27 và 29 của tôi để bớt đi trái đắng.
Người ta sẽ hạnh phúc hơn khi cho đi chứ không phải nhận lại. Nếu biết thì thấy rất đơn giản, nếu tự mò mẫm thì có khi lại phải trả giá rất đắt. Chính vì lẽ đó, tôi mong bạn sẽ CHIA SẺ ngay khi đọc bài này, để phàm là những ai chơi lan, đều cảm thấy hạnh phúc chứ không phải là chán nản và ức chế khi chơi lan.
Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.
Vảy Rồng – Dendrobium Lindleyi – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan
VẢY RỒNG – Dendrobium lindleyi (Đồng danh: Dendrobium aggregatum)
(Bài 26)
Chỉ với 100-200k, bạn đã có hẳn 1 kilogam lan Vảy Rồng. Đôi khi vì nó quá rẻ nên ta thường ít trân trọng. Bạn đâu biết rằng, ở nước ngoài nó mắc tiền như thế nào. Ở đó, một giò với 20 giả hành có giá 24 USD. Nếu ta nhổ ra và tính ký thì cũng phải 100-200USD 1 kilogam tương đương 2-4 triệu 1 kilogam.
Tại sao tôi biết điều này? Vì khi tôi tham khảo tài liệu về em này để viết cống hiến cho các bạn, tôi thấy hơn chục trang web tiếng Việt đều có viết, nhưng mà toàn sao chép của nhau và có những lỗi sai giống nhau từ cả 1 dấu chấm dấu phẩy. Vấn đề không nằm ở lỗi chính tả, vấn đề nằm ở chỗ là họ nói trồng vảy rồng phải cho nó ÁNH NẮNG MẠNH, THẬT NHIỀU NẮNG, không nên trồng chậu….
Để nhận diện em này thì các bạn cứ nhìn hình là thấy, vì phân tích dài dòng chỉ giành cho nghiên cứu khoa học thôi. Về độ to của giả hành thì trung bình bằng ngón tay cái, tuy nhiên tôi đã có lần thấy có những giống có giả hành to gần bằng chai nước Lavie 0,5 lít. Dĩ nhiên là giả hành to thì vòi hoa nhiều bông hơn (nhỏ thì vòi hoa 3-10 bông, trung bình là 15 bông, còn loại khủng thì 25 bông 1 vòi), lâu tàn hơn.
Vảy rồng thường nở vào mùa xuân và hè, tuy nhiên năm nhuận thì có khi may mắn ta có 1 giò nở tết. Nhưng cũng có những giống của vùng miền, ví dụ Lâm Đồng thì em nó nở vào tết.
Hương thơm cũng nhẹ nhàng thôi, cánh hoa rất là mỏng manh nhưng màu sắc thì thật rực rỡ. Khi mới nở thì hoa nhạt hơn và ngày càng đậm dần lên cho tới khi gần tàn. Nếu bạn chỉ nhìn hoa mà không nhìn giả hành thì rất dễ nhầm là hoa Kim Điệp Vàng (bài 22).
Nếu bạn học môn sinh học có nền tảng 1 chút sẽ hiểu, cây gì ít lá thì cần ít phân. Ít lá thì bộ rễ sẽ ít (trừ mấy em Căn Diệp… hic). Lá càng cứng, càng bóng thì càng ít thoát hơi nước, vì thế có nhiều rễ cũng không giả quyết vấn đề gì. Em Vảy rồng này thuộc kiểu hình đó, rất ít lá và ít rễ, một giả hành mà ra được vài ba cái rễ là quý lắm bạn ạ.
2. Chọn giá thể:
Chọn giá thể là gỗ hoặc lũa càng cứng càng tốt, nếu là gỗ thì nên bóc vỏ đi (vỏ chỉ được 1-2 năm là mục, khi đó nó sẽ là hang ổ của mấy con ốc sên, sâu bọ, nấm khuẩn và vỏ bong ra thì lan bong ra luôn), xử lý như bài Ghép Thủy Tiên và bài Giá thể tốt nhất cho lan.
Giá thể có thể chọn là chậu đất nung có nhiều lỗ, bạn trồng lan trong chậu cũng được mà cho nó bao bọc xung quanh chậu cũng được. Bên trong nên bỏ than cục nhỏ bằng hạt mít cho nó bền.
Dớn bảng cũng là 1 sự lựa chọn tuyệt vời, tôi rất thích ghép lên dớn bảng vì dễ ghép, dễ chăm và dễ đóng thùng bán đi xa.
3. Xử lý giống:
Như các bài trước, đó là cắt rễ già, dập nát, rửa sạch với nước lã. Sau đó ngâm vào dung dịch Physan 15-20 phút (ngâm 1 tiếng vẫn được nhưng hại cây). Dạo gần đây tôi bỏ kiểu dùng Ridomilgold rồi, vì nó không hiệu quả kỹ thuật và không hiệu quả kinh tế bằng Physan. 150k gần nửa lít thuốc, pha được cho 500 lít nước, xử lý 1 tấn lan giống còn được.
4. Chăm sóc:
Ghép xong treo chỗ mát, ánh sáng khoảng 40% là được, chờ cho cây bám giá thể rồi thì cho ăn nắng 50-70% (kinh nghiệm cá nhân tôi là 55% ánh sáng ổn hơn cả, ăn nắng nhiều lá vàng quạch, giả hành teo tóp mãi không bung được, thậm chí cho ăn nắng 30% như Hồ Điệp cây vẫn lên và vẫn hoa).
Tôi trồng em này bao năm nay, chỉ thấy em ấy mắc vài vấn đề nhỏ sau:
A. Thối thân giả hành non, bắt đầu từ gốc lên ngọn (kiểu như giả hạc và giống dendro ấy các bạn). Cắt bỏ, xịt Antracol + Kasumin 2 lần, tuần 1 lần là chấm hết.
B. Bị rầy, kiến bám trên mầm non và vòi nụ. Xịt nước rửa chén pha loãng ướt đều, 20-40 phút sau rửa lại là xong. Quá tiết kiệm lại an toàn.
Mấy bạn xung quanh nào là thán thư, nào là đốm mắt cua, nhện đỏ, virut đủ kiểu, nhưng em này không bị. Bạn thấy em nó lì lợm chưa ạ?
Phân thì bón y như bài PHÂN CHO LAN, nhưng cái gì cũng ít hơn so với Giả Hạc (nói chung là em nào nhiều lá thì bón nhiều và ngược lại).
5. Làm Vảy Rồng nở hoa.
Hồi mới chơi tôi rất xót cây, tính tôi siêng năng lại bị cái quá cẩn thận thành ra giả hành em nó lúc nào cũng căng đét (vì ngày nào tôi cũng tưới), nên cuối cùng, lan người ta 1 giò 1 ký ra 20 vòi hoa, lan tôi ra đúng 1 vòi.
Nhìn giò lan nở xung quanh vàng rực 1 góc thật là quá thèm, tôi hy vọng các bạn sẽ có những giò lan tuyệt vời như thế. Thú chơi lan là 1 bộ môn nghệ thuật, đòi hỏi sự tận tâm và sáng tạo. Tuy nhiên trước khi muốn sáng tạo, hãy nắm chắc nền tảng thì bạn sẽ đỡ tốn học phí.
Nguyễn Ngọc Hà, Liên Nghĩa – Đức Trọng – Lâm Đồng
Cập nhật thông tin chi tiết về Kinh Nghiệm Để Hoa Lan Lâu Tàn – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan trên website Duhocaustralia.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!